Kể từ khi thực hiện (năm 2009) đến nay, cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đạt được những kết quả tích cực, tạo chuyển biến rõ trong nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp (DN) và các tầng lớp nhân dân về sản xuất, tiêu dùng hàng hóa Việt.
Các cơ quan quản lý nhà nước đã rà soát, ban hành bổ sung các quy định, cơ chế hỗ trợ khuyến khích sản xuất, tiêu dùng phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các DN đã phát huy vai trò tiên phong trong thực hiện CVĐ, không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Nhiều DN chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại để sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt có chất lượng cao, cạnh tranh được với hàng hóa nhập khẩu, chiếm được sự tin yêu của người tiêu dùng (NTD). Nhờ đó, tỷ lệ tiêu dùng hàng Việt ngày càng cao, thay vì lựa chọn những sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài, NTD đã lựa chọn những sản phẩm sản xuất trong nước, từng bước hình thành nét đẹp văn hóa tiêu dùng của mỗi người dân.
Hàng Việt Nam ngày càng có uy tín và chiếm lĩnh thị trường trong nước. Ảnh: Thái Hiền
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện CVĐ, các cấp có thẩm quyền cần chủ động nắm tình hình và kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, phân phối lưu thông của DN; rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, lưu thông và tiêu dùng hàng nội. Tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung kiểm tra công tác bình ổn giá, chống đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường. Qua khảo sát, nhiều DN đề nghị ban chỉ đạo CVĐ các địa phương nên cung cấp tài liệu để DN tuyên truyền, quảng bá về CVĐ đến cán bộ, nhân viên trong đơn vị và tại các điểm bán hàng, phiên chợ Việt, các chuyến bán hàng lưu động ở vùng sâu, vùng xa trung tâm; hỗ trợ kinh phí vận chuyển, địa điểm... để có điều kiện giảm giá bán tới NTD, nhất là ở vùng nông thôn. Nâng cao vai trò của các hiệp hội và NTD Việt trong CVĐ để các hoạt động có sức lan tỏa sâu rộng. Đồng thời, ưu tiên những sản phẩm nội địa được tham gia cung cấp trong các dự án, chương trình mục tiêu của chính phủ, các địa phương và các dự án cho vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện để DN được tham gia sử dụng vốn hỗ trợ chương trình năm 2012. Tăng cường hỗ trợ hoạt động truyền thông cho hàng hóa thương hiệu Việt tại những thị trường trọng điểm, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các TP lớn khác. Trên cơ sở đó, xem xét đưa hoạt động truyền thông của CVĐ vào chương trình giáo dục phổ thông, vun đắp ý thức sử dụng hàng Việt từ lớp trẻ để CVĐ phát triển sâu rộng, bền vững.