Một lần nữa muốn tâm sự với các bạn khi có những băn khoăn về vốn. Ngay trong Luật Doanh nghiệp cũng không quy định vốn của Doanh nghiệp là số tiền bắt buộc phải có khi thành lập mà nó là số tiền cam kết của thành viên góp vốn đưa vào Doanh nghiệp trong quá trình SX kinh doanh và tự chiụ trách nhiệm trong phạm vi vốn cam kết đầu tư,...
Do đó khi bước vào kinh doanh nên hiểu số tiền mặt hiện có không phải là vấn đề chính yếu, vấn đề là khả năng gia tăng giá trị tiền mặt đó trong quá trình hoạt động. Theo nghiệp vụ kế toán có thể hiểu là tốc độ quay vòng vốn, hiệu quả tích lũy vốn thông qua khoản lợi nhuận chưa phân phối....
Tiền mặt cần có trước khi thành lập doanh nghiệp là khoản tiền cần cho thuê văn phòng, mua sắm trang thiết bị, quỹ lương dự phòng cho những nhân viên cơ hữu trong khoảng từ 3 đến 6 thành tùy theo mô hình và định hướng kinh doanh, liên quan đến bài toán điểm hòa vốn. Khoản này bạn có thể hình dung và ước lượng được. Tốt nhất là lên kế hoạch chi tiết có tính đến 1 biên độ dao động nhất định. Nếu kinh doanh hàng hóa đương nhiên phải tính đến khoản nhập hàng hoặc ký quỹ làm đại lý ở các hãng sản phẩm. Vốn dự phòng nhập hàng,...
Nói chung bài toán của bạn nếu để cho nhau lời khuyên thì chắc không có gì nhiều nhưng doanh nghiệp nào cũng vậy thôi, nếu chỉ tập trung vào những cái mà ta cho là có vấn đề, ví dụ như trường hợp của bạn là ít vốn, mà lại quên đi một nguyên tắc rất cơ bản để thành công là phải lên kế hoạch thận trọng cụ thể chi tiết ngay kể cả khi hoàn toàn không có vấn đề nào. Mọi thứ đều thuận lợi. Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt nam hay bỏ qua những gì họ cho rằng không quan trọng và để rồi va đâu xử lý đó, vừa không chuyên nghiệp vừa tốn kém và mất thời gian.
Có 1 lời khuyên lý thuyết vẫn muốn nêu ra với bạn
10 bước chuẩn bị trước khi thành lập công ty,doanh nghiệp
Sau bao ngày vất vả sắp xếp mọi thứ cho việc thành lập một doanh nghiệp mới, cuối cùng công ty của bạn cũng được khai trương, bắt đầu tham gia vào môi trường kinh doanh đầy thử thách và nhiều triển vọng. Thế nhưng trước khi điều tuyệt vời đó xảy ra, có những vấn đề liên quan đến một doanh nghiệp mà mọi người thường coi là không mấy quan trọng.
Sau đây là những gì bạn cần phải xem xét, chuẩn bị chu đáo trước khi có ý định, dù chỉ rất mơ hồ, về việc thành lập một doanh nghiệp mới.
1. Ý tưởng tốt.
Ý tưởng chỉ được gọi là tốt khi nó được nhiều người công nhận và ủng hộ. Chẳng hạn bạn có ý tưởng mở một dịch vụ cho thuê xe hơi. Bạn cho rằng đó là một ý tưởng tuyệt vời. Bạn dẫn chứng là ngày nay lượng người muốn thuê xe hơi nhiều hơn số người có ý định sở hữu một chiếc xe hơi. Tuy nhiên, những người được bạn hỏi ý kiến đều nói với bạn rằng ý tưởng ấy thật tồi. Cho dù những lý lẽ họ đưa ra không mấy thuyết phục và bạn rất tự tin vào bản thân, nhưng bạn cũng không thể không xem xét lại ý định của mình. Tương lai, số phận của một doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào ý tưởng ban đầu của nó. Chỉ cần đảm bảo là có một số lượng đáng kể khách hàng tương lai sẵn sàng bỏ tiền ra mua sản phẩm/dịch vụ mà bạn nghĩ ra là bạn đã có đủ cơ sở để triển khai nó rồi. Nhưng làm thế nào để có thể tìm ra ý tưởng đó? Tác giả Joe Carbo đưa ra một câu trả lời hết sức đơn giản mà có lẽ nhiều người đã hơn một lần được nghe: “Hãy tìm ra một nhu cầu trên thị trường và đáp ứng nhu cầu đó”.
2. Một kế hoạch kinh doanh hoàn hảo.
Đó là bản đồ phác thảo ra những con đường hợp lý nhất dẫn dắt bạn đến thành công. Một kế hoạch kinh doanh tốt không thể không xem xét tường tận những khía cạnh từ đơn giản đến phức tạp nhất của một doanh nghiệp. Dự toán ngân sách, nguồn tiền đầu tư, vốn hoạt động, lợi nhuận trên doanh số, kiểm kê, chi phí quảng cáo, tiền thuê mặt bằng, tiện ích, thuế.., chỉ là một vài chi tiết trong kế hoạch kinh doanh của bạn.
Vậy làm thế nào để lập được một kế hoạch kinh doanh tốt? Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sách báo sẽ cung cấp cho bạn kiến thức về vấn đề này, hoặc bạn có thể liên hệ với các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp hay phòng thương mại địa phương, nơi doanh nghiệp mới sẽ tọa lạc.
3. Tồn tại một thị trường thật sự cho sản phẩm/dịch vụ của bạn.
Các công ty lớn chẳng bao giờ liều lĩnh tung ra sản phẩm trong khi còn mơ hồ việc liệu khách hàng của họ có cần đến nó hay không. Trước tiên họ sẽ tiến hành nghiên cứu thị trường thông qua việc khảo sát những người có vẻ có nhu cầu nhất về sản phẩm đó, rồi phân tích thái độ cũng như mức độ hài lòng của những khách hàng này đối với sản phẩm/dịch vụ đó.
4. Ngân sách.
Nguồn ngân sách cho doanh nghiệp tương lai có thể là tiền của bạn hoặc tiền vay của ai đó. Sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nếu bạn dùng tiền của mình, bởi vì bạn không phải đau đầu nghĩ cách xoay xở để hoàn trả. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều không có đủ tiền để thành lập doanh nghiệp. Vậy thì có thể tìm sự hỗ trợ ở đâu? Trước hết, bạn hãy thử liên hệ với một tổ chức nào đó, ví dụ văn phòng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ ở địa phương. Họ luôn có rất nhiều kế hoạch kinh doanh từ các công ty khác ở khắp nơi gửi đến để … vay tiền như bạn, từ vài trăm cho tới vài triệu USD. Họ sẵn lòng cho bạn biết về những khoản tài trợ nào đang nhàn rỗi, cũng như hướng dẫn bạn cách thức hoàn thiện hồ sơ có thể đáp ứng được những điều kiện vay vốn.
5. Địa điểm kinh doanh.
Sự ra đời của thương mại điện tử, dịch vụ bán hàng qua điện thoại cũng như nhiều tiện ích khác giúp cho quá trình giao dịch diễn ra dễ dàng, thuận lợi hơn. Do đó, địa điểm kinh doanh ngày nay không còn là yếu tố quyết định đến sự thành bại của các doanh nghiệp, ngay cả đối với các doanh nghiệp nhỏ. Ngày nay, chỉ với chiếc thẻ tín dụng và mạng Internet, chúng ta gần như có thể mua hàng ở bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, thương mại điện tử cũng chỉ có thể áp dụng cho một bộ phận doanh nghiệp, một số hình thức kinh doanh và ngành nghề nhất định. Ví dụ, đối với những công ty hoạt động trong các lĩnh vực như dịch thuật hay xuất bản thì vấn đề địa điểm không mấy quan trọng- những công ty này có thể đặt trụ sở ở bất cứ đâu. Trong khi đó, hình thức kinh doanh siêu thị lại hoàn toàn khác, địa điểm kinh doanh trong trường hợp này không thể tùy tiện chọn lựa. Vì thế, bạn hãy xét đến nhu cầu của doanh nghiệp khi chọn nơi đặt trụ sở công ty.
6. Dịch vụ điện tử.
Máy vi tính, website, dịch vụ thư điện tử… Bạn đã chuẩn bị những thứ này chưa? Có lẽ ngày nay các tiện ích này không thể thiếu trong các công ty, cho dù công ty của bạn chỉ có một giám đốc với vài nhân viên làm việc bán thời gian.
7. Xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng ngay từ thời kỳ đầu.
Thành công của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào khách hàng, nhất là những khách hàng trung thành. Thông qua các hoạt động nghiên cứu thị trường, bạn đã chắc chắn rằng có một số lượng khách hàng nhất định sẽ cần đến sản phẩm/dịch vụ mà công ty tương lai của bạn cung cấp. Vậy cụ thể họ là ai? Hãy lên danh sách những khách hàng tiềm năng đầu tiên trước khi bạn chuẩn bị thành lập công ty.
8. Chuẩn bị chu đáo cho việc khai trương.
Bạn có thường xuyên phải đi công tác bằng máy bay? Một trong những điều làm hành khách an tâm là trước khi cất cánh, phi công chính và các đồng sự của anh ta luôn kiểm tra lại tất cả mọi công việc theo một trình tự thống nhất. Đó là những việc họ thực hiện hàng ngày, đã lặp lại hàng ngàn lần như thế, song họ vẫn phải tiến hành việc kiểm tra này trước mỗi chuyến bay. Tương tự như vậy, trước khi doanh nghiệp của bạn “cất cánh”, thiết nghĩ cũng cần một bản danh sách những việc cần kiểm tra để đảm bảo rằng mọi thứ đã sẵn sàng. Những việc phải làm trong ngày đầu khai trương là gì? Ai sẽ chịu trách nhiệm thực thi các công việc đó? Đã có đủ các điều kiện cần thiết để làm việc chưa? Mẫu công văn, mẫu đơn đặt hàng…đã có chưa? Hãy liệt kê những thứ có thể cần đến cho một ngày làm việc bình thường, từ giờ mở cửa, thời gian chấm dứt một ngày làm việc, và tất cả những công việc cụ thể khác.
9. Những điều không mong đợi.
Chúng ta luôn hi vọng những điều tốt đẹp nhất, song cũng cần phải phòng ngừa những việc tệ hại có thể xảy ra như vấn nạn ngập đường vào mùa mưa, sự cố hỏa hoạn, thiên tai, trộm cướp… Hãy trù bị tất cả để khi những điều bất trắc xảy ra, chúng ta đã có phương cách đối phó chủ động nhất, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do nó gây ra.
10. Tri thức là sức mạnh.
Bạn hãy cố gắng tìm hiểu tối đa về ngành nghề kinh doanh mà bạn sẽ tiến hành trong tương lai bằng cách dành ra ít nhất 20 phút mỗi ngày cho công việc này. Nếu làm được như vậy thì chỉ trong vòng một năm bạn đã có thể biết được hơn 75% những cá nhân hoặc công ty hoạt động trong ngành đó. Làm thế nào để đánh giá những kiến thức mà bạn đã thu thập đã “đủ” hay chưa? Đó là khi bạn có thể nhìn thấy được ngày càng nhiều những thách thức mà công ty sẽ phải vượt qua, cũng như những cơ hội mà trước đây bạn chưa bao giờ biết đến. Và đây là lời khuyên cuối cùng khi doanh nghiệp của bạn bắt đầu đi vào hoạt động: làm hài lòng khách hàng hơn những gì họ mong đợi. Đó là điều mà bất cứ khách hàng nào cũng đều đòi hỏi ở doanh nghiệp, cho dù doanh nghiệp đó có thuộc lĩnh vực hoạt động hay ngành nghề kinh doanh nào chăng nữa.