Khẳng định thương hiệu gạo Việt

infovinade

Thành viên tập sự
1/3/12
5
0
0
Credits
0
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dự kiến lượng gạo xuất khẩu năm nay đạt 6,5 - 7 triệu tấn. Ðặc biệt, gạo chất lượng cao như gạo thơm, gạo đồ... đang được đối tác nước ngoài chú ý đặt mua với số lượng ngày càng nhiều, đòi hỏi nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu phải đổi mới quy mô sản xuất, kinh doanh để có sản phẩm phù hợp thị trường với giá cả cạnh tranh.
Ổn định thị trường

Năm 2011, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt bảy triệu tấn, là năm xuất khẩu có sản lượng cao nhất từ trước tới nay. Thật khó hình dung từ một nước thiếu lương thực triền miên của những năm trước 1986, đến nay, Việt Nam không chỉ đủ ăn mà còn dư thừa ba triệu, năm triệu và tám triệu tấn gạo vào các năm 1990, 2000 và 2010. Ðáng chú ý là ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) những năm trước giải phóng, nông dân chỉ trồng lúa một vụ, năng suất thấp đạt một đến hai tấn/ha. Nhờ lai tạo được nhiều giống lúa mới ngắn ngày, năng suất đạt sáu đến bảy tấn/ ha và sản xuất ba vụ trong năm nên có dư cho xuất khẩu. Sản lượng lúa ở ÐBSCL trước năm 1976 đạt khoảng 4,2 triệu tấn, đến năm 2011, ước đạt 22,8 triệu tấn, tăng gấp hơn năm lần. Vụ ba (thu đông) năm 2011, nông dân ÐBSCL trúng lớn, năng suất nhiều nơi đạt 5,1 tấn, tăng hơn 0,4 tấn/ha so năm 2010. Riêng ở An Giang, Ðồng Tháp, Cần Thơ đạt sáu đến bảy tấn/ha và trúng giá 6.200-6.500 đồng/kg; lúa khô 7.200 - 7.600 đồng/kg. Nhiều nông dân phấn khởi cho biết, sau khi trừ chi phí còn lãi 20 - 25 triệu đồng/ha. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ÐBSCL cho biết: "Việc sản xuất lúa vụ ba thắng lợi đã góp phần thực hiện sứ mệnh quan trọng là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu. Ðồng thời giúp các địa phương trong vùng thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người dân có việc làm, ổn định đời sống".

Ðạt được thành tựu này là nhờ Ðảng, Chính phủ và các tỉnh ÐBSCL luôn coi việc phát triển lúa gạo là nhiệm vụ trung tâm của phát triển nông nghiệp, từ đó có chính sách đầu tư thích đáng cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đầu tư hệ thống thủy lợi, khoa học - công nghệ, khuyến nông đối với cây lúa và các chính sách hỗ trợ nông dân.

Từ đầu năm 2012 đến nay, việc xuất khẩu gạo đang có dấu hiệu chậm lại. Tháng đầu năm mới xuất khẩu được hơn 279.200 tấn, đạt 153 triệu USD, giảm 42,3% về lượng và gần 37%về giá trị so cùng kỳ 2011. Tuy nhiên, giá FOB bán ra trong tháng 1 là 550 USD/tấn cao hơn 46,7% so cùng kỳ. Quý I theo hợp đồng đã ký, các DN sẽ xuất khẩu 1,1 triệu tấn, giảm so cùng kỳ quý I năm 2011. Nguyên nhân việc xuất khẩu gạo chững lại thì có nhiều, song chủ yếu là đối tác nước ngoài đang nghe ngóng tình hình thị trường gạo thế giới, thăm dò giá cũng như theo dõi sát việc thu hoạch lúa gạo đông xuân 2011 đến 2012 ở ÐBSCL. Hai là, việc cạnh tranh giá lúa, gạo khá quyết liệt do một số nước khu vực luôn chào giá bán thấp hơn gạo Việt Nam từ 100-150 USD/tấn dẫn đến nhiều hợp đồng bị hủy, do đối tác đòi kéo giá xuống hoặc trả giá thấp hơn so giá sàn xuất khẩu mà VFA đã công bố.

Ðể giữ và ổn định thị trường gạo,VFA đang nỗ lực xúc tiến thương mại duy trì cho được thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng và tích cực chào hàng gạo chất lượng cao khoảng trên dưới một triệu tấn gồm gạo thơm và gạo đồ các loại sang thị trường các nước khu vực. Bộ Công thương cũng đang chỉ đạo các DN đàm phán ký các hợp đồng chính phủ và hợp đồng thương mại theo hướng có lợi cho người trồng lúa, DN trong nước, cạnh tranh được với các nhà xuất khẩu nước ngoài kinh doanh mặt hàng gạo cùng loại. Ðồng thời, Bộ cùng các ngành chức năng sẽ theo dõi sát thông tin sản xuất, diễn biến cung cầu lúa gạo trong và ngoài nước, tăng cường và linh hoạt trong công tác dự báo, phối hợp tốt tham tán thương mại các nước, có biện pháp định hướng, tham mưu kịp thời cũng như các giải pháp sẵn sàng ứng phó những biến động cả thị trường trong nước và nước ngoài khi cần thiết.

VFA cũng cho biết: Trong tình hình hiện nay, Hiệp hội đã có kế hoạch thu mua một triệu tấn lúa gạo tạm trữ với giá có lợi nhằm giải tỏa áp lực đầu ra khi vào thời điểm thu hoạch vụ lúa đông xuân, bảo đảm thu nhập và lợi nhuận của người nông dân không bị ảnh hưởng.

Tăng giá trị gạo xuất khẩu

Cùng với việc các nhà nhập khẩu gạo thế giới ngày càng quan tâm đến hạt gạo Việt Nam, một bộ phận người tiêu dùng cao cấp nước ngoài cũng bắt đầu chú ý tiêu thụ gạo thơm, gạo đỏ Việt Nam với số lượng ngày càng tăng. Ông Lam Sai Ho, Chủ tịch Golden Resources Development International LTD, nhà nhập khẩu gạo hàng đầu của Hồng Công (Trung Quốc) cho biết: Trước đây, gạo Thái-lan chiếm 80% tổng lượng gạo nhập khẩu vào Hồng Công. Từ năm 2010, gạo Thái-lan chỉ còn hơn 60%, gạo Việt Nam trước chỉ nhập 3% nay lên 18% do gạo Việt Nam chất lượng và giá cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, gạo Việt Nam cần có thương hiệu cụ thể không thể gọi gạo thơm chung chungể. Ngay trong dịp Tết Nhâm Thìn, các DN thành viên của VFA đã xuất khẩu 40 nghìn tấn gạo thơm sang thị trường Hồng Công. Dự kiến trong thời gian tới sẽ có các hợp đồng khác sang thị trường này. VFA cũng cho biết, trong năm 2012 sẽ phấn đấu tăng lượng gạo thơm xuất khẩu lên 800 nghìn tấn và gạo đỏ lên 400 nghìn tấn. Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood2) đang khẩn trương xây dựng thêm ba nhà máy sản xuất gạo đỏ tại ba tỉnh khu vực ở ÐBSCL. Khi ba nhà máy hoạt động đại trà, dự kiến xuất khẩu khoảng 300 nghìn tấn/năm. Vinafood2 đang phối hợp Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xây dựng vùng nguyên liệu cho các nhà máy gạo đồ.

Công ty CP Viễn Phú (Cà Mau) cũng vừa được Công ty Control Union Việt Nam (cơ quan đánh giá và chứng nhận Hà Lan tại Việt Nam) trao chứng nhận nhãn hiệu gạo hữu cơ của tổ chức quốc tế BIO Organic và nhãn hiệu gạo hữu cơ an toàn tuyệt đối có lợi cho sức khỏe do không sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ với thương hiệu Hoa sữa trắng, Hoa sữa đỏ và gạo tím, gạo đỏ có giá từ 35 nghìn đến 60 nghìn đồng/kg được cả thị trường trong và ngoài nước đặt mua. Quan trọng hơn, gạo hữu cơ Việt Nam có giá trị toàn cầu sẽ dễ vào các thị trường khó như châu Âu, Bắc Mỹ với số lượng không hạn chế. Sắp tới, Viễn Phú sẽ triển khai chương trình liên kết với 10 nghìn hộ nông dân gồm diện tích 10 nghìn ha cùng tham gia sản xuất lúa hữu cơ.

Tại Festival Lúa Gạo Việt Nam lần II năm 2011, các nhà hoạch định chính sách và quản lý kinh tế đều cho rằng từ một nước thiếu lương thực, đến nay hạt gạo Việt Nam được xuất đi 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mang về cho đất nước từ hai đến 3,5 tỷ USD/năm là một thành công lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, để hạt gạo Việt Nam đem về cho đất nước ngoại tệ gấp nhiều lần hơn cần phải sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn hoặc thành lập công ty cổ phần nông nghiệp đưa các giống lúa phẩm chất gạo tốt, có thương hiệu vào sản xuất với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Từ hai vụ đông xuân và hè thu 2011 ở ÐBSCL, mô hình cánh đồng mẫu lớn đạt hiệu quả rất khả quan. Cụ thể là vụ đông xuân 2011, chi phí sản xuất một kg lúa trên cánh đồng hơn 1.000 ha hợp tác với Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) tại xã Vĩnh Bình, Châu Thành (An Giang) giảm tới 30% so canh tác nông hộ nhỏ lẻ, năng suất đạt tới tám đến chín tấn/ha. Giá bán từ 6.300 đến 6.800 đồng/kg với 500 hộ dân tham gia đạt mức lợi nhuận tăng 150%. Vụ hè thu có 684 hộ nông dân tham gia, năng suất bình quân đạt 6,1 tấn/ha, cao hơn 200 kg so các hộ canh tác nhỏ lẻ, giá thành sản xuất dưới 2.900 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg.

Cánh đồng mẫu lớn của tỉnh Trà Vinh trong vụ hè thu ở xã Phú Cần, Tiểu Cần (Trà Vinh) có 302 hộ nông dân tham gia, với diện tích 300 ha cũng đạt hiệu quả kinh tế cao. Chi phí sản xuất chưa đến 2.100 đồng/kg, thấp hơn sản xuất nhỏ lẻ 900 đồng/kg. Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc AGPPS, đơn vị đi đầu trong việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại ÐBSCL: "Với việc sản xuất theo quy trình của công ty như cung ứng giống, vật tư, phân bón, quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Hạt lúa có chất lượng, thương hiệu, địa chỉ xuất xứ, giá bán cao hơn vài chục USD nên lợi nhuận cho bà con nông dân cũng tăng thêm". Hiện nhà máy sấy lúa công suất 500 tấn/ngày và kho chứa 35 nghìn tấn tại huyện Châu Thành, AGPPS vừa đầu tư thêm hai nhà máy sấy lúa và kho chứa tại huyện Thoại Sơn (An Giang) và Tân Hồng (Ðồng Tháp). Sắp tới, công ty sẽ xây dựng thêm một nhà máy sấy lúa ở huyện Vĩnh Hưng (Long An) công suất 1.000 tấn/ngày. Với hiệu quả thực tế của cánh đồng mẫu lớn, năm 2011 có 6.400 nông dân của 12 tỉnh ÐBSCL tham gia góp 8.200 ha đất. Năm 2012, các địa phương đăng ký thực hiện cánh đồng mẫu lớn lên 50 nghìn ha.

Mừng vui chung quanh chuyện xuất khẩu gạo, nhiều DN vẫn còn tỏ ra băn khoăn vì hiện nay có tới 125 DN xuất khẩu mặt hàng này, chưa kể bốn DN liên doanh với nước ngoài là quá nhiều (năm 2010 có 264 DN, năm 2011 có 211 DN). Trong khi Thái-lan, quốc gia xuất gạo nhiều nhất thế giới chỉ có 14-15 đầu mối xuất khẩu gạo, lúc nhiều cũng chỉ 20 DN và thế giới có hơn 10 nhà nhập khẩu gạo. Nếu để quá nhiều nhà xuất khẩu như hiện nay e rằng các nhà nhập khẩu càng có điều kiện ép giá, chi phối giá thị trường gạo Việt Nam.

Ngoài ra, các DN cần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam một cách đồng bộ ở cả ba cấp: quốc gia, công ty và các sản phẩm gạo riêng biệt cũng như đa dạng hóa xuất khẩu nhiều sản phẩm từ gạo. Ðồng thời, nên hết sức coi trọng thị trường nội địa với sức mua 80 triệu dân cũng đang tiêu thụ khá lớn lượng gạo thơm, gạo cao cấp.