Đột phá từ khâu phân phối sản phẩm?

minhtuan_hp

Thành viên tập sự
28/6/11
7
1
0
Credits
0
"Đẩy mạnh bán hàng Việt Nam trên thị trường nội địa" đang là chủ đề nóng trên các diễn đàn kinh tế.

Hôm 7.1, cuộc hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Câu lạc bộ Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Báo Sài Gòn Tiếp thị đồng tổ chức, đã cho thấy: Vấn đề để nâng cao sức cạnh tranh của hàng VN không đơn thuần là chất lượng và giá cả, mà chính là việc tổ chức kênh phân phối hiện đại. Đây là khâu yếu nhất khiến hàng VN - dù chất lượng ngang ngửa với hàng ngoại - nhưng cũng không dễ tiếp cận người tiêu dùng trong nước.

Ai nắm phân phối sẽ điều hành sản xuất

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã chỉ ra nguy cơ tụt hậu của các DN sản xuất nội địa trong bối cảnh cùng lúc vừa chịu tác động của khủng hoảng kinh tế, vừa chịu cạnh tranh khi VN mở cửa thị trường bán lẻ cho DN 100% vốn nước ngoài được đầu tư kinh doanh tại thị trường VN từ 1.1.2009. Tuy nhiên, nguyên nhân tụt hậu cũng nằm ngay trong nội tại nền kinh tế, khi cả cơ quan quản lý lẫn DN chưa quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa. “Trong khi các DN đầu tư nước ngoài (ĐTNN) coi VN là thị trường bán lẻ mới nổi, nhưng đã vượt qua cả Trung Quốc và Ấn Độ để trở thành thị trường có tốc độ tăng doanh số lớn nhất thế giới (bình quân 20-30%/năm, nếu trừ đi tốc độ trượt giá thì cũng tăng trưởng ít nhất 10%), thì các DN VN vẫn say sưa với tăng trưởng XK. Đến lúc nhìn thấy thị trường nội địa là mảnh đất màu mỡ, phải chiếm lĩnh để tồn tại thì cơ hội và thời gian không chờ đợi. “Khâu phân phối chính là khâu quan trọng nhất tạo nên giá trị gia tăng của sản phẩm. Ai chiếm lĩnh được khâu phân phối, người đó sẽ điều hành sản xuất” - ông nói. Tuy nhiên, đây lại là khâu yếu nhất của các DN VN.

Có một sự thật hiển nhiên là các TĐ phân phối nước ngoài như Co.Mart, Big C, Metro và mới đây là Lotte Mart vào VN, họ đã đặt hàng chính các nhà sản xuất trong nước để phân phối sản phẩm này tại các kênh phân phối của họ. Tại siêu thị bán sỉ Metro hay Big C, lượng hàng nội chiếm tới 90-95%, cho thấy hàng trong nước không phải không có chỗ đứng tại thị trường nội, song đáng buồn là chỉ tiêu thụ mạnh tại các kênh phân phối của nhà ĐTNN.

Ông Nguyễn Gia Anh Vũ - GĐ kinh doanh kênh phân phối hiện đại - khẳng định: “Hàng Việt đang mất dần ưu thế tại các kênh phân phối truyền thống, bởi sự đầu tư bài bản và chuyên nghiệp của các nhà bán lẻ nước ngoài. Thậm chí, đến một ngày các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ chi phối thị trường bán lẻ trong nước, bán sản phẩm gì là quyền của họ”. Hiện nay, đã có xu hướng các nhà phân phối nước ngoài nhượng quyền thương hiệu của họ tại thị trường VN, biến nhà sản xuất trong nước thành người làm thuê.

Hãy là người tiêu dùng thông minh

Trong tình hình khó khăn, theo bà Vũ Thị Kim Hạnh - GĐ BSA, người tiêu dùng VN hãy là người tiêu dùng khôn ngoan. Hãy nêu cao tinh thần tự hào dân tộc để quay về dùng hàng Việt. Đã hơn 10 năm gắn bó với hàng VN chất lượng cao, bà Hạnh cho rằng: “Khẩu hiệu “Người VN dùng hàng VN” đã không còn thích hợp trong bối cảnh hiện nay, mà nhanh chóng được thay thế bằng “Hàng Việt vì người Việt, cùng vượt qua thách thức”. Nhìn ra các nước xung quanh, người Hàn Quốc, Trung Quốc đều nêu cao tinh thần yêu nước dùng hàng nội, để đẩy lùi sự xâm lấn của hàng ngoại.

Không phủ nhận việc nêu cao tinh thần tiếp thị để người Việt dùng hàng Việt, nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, trong cạnh tranh các DNVN phải vươn lên - tăng sức cạnh tranh. Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ DN bằng việc hỗ trợ lãi suất để kích cầu sản xuất, tiêu dùng; triển khai chiến lược quốc gia về thị trường nội địa. Trước hết, bản thân các cơ quan công quyền, nhà quản lý làm gương dùng hàng nội. Bà Kim Hạnh cho biết: “Ngay tại UBND TPHCM, tất cả những vật dụng đều là hàng VN chất lượng cao để quảng bá, tiếp thị cho hàng VN”.

Tại hội thảo “Đẩy mạnh bán hàng VN trên thị trường nội địa”, một chiến dịch bán hàng về nông thôn đã được BSA khởi xướng. Chiếm 70% lượng tiêu thụ hàng hoá VN, nhưng lâu nay thị trường này đang bị bỏ ngỏ; hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng Trung Quốc đang tung hoành. Chiếm lĩnh thị trường nông thôn cũng chính là cơ hội để hàng hoá trong nước mở rộng kênh tiêu thụ, phù hợp với túi tiền và thu nhập của người dân. Ông Trương Đình Tuyển cho rằng: “DN cần có khả năng cá thể hoá đối tượng, có sự phân khúc thị trường để đáp ứng được nhiều đối tượng tiêu dùng khác nhau. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các DN đưa ra được mức giá cạnh tranh, có kênh phân phối đến tận người tiêu dùng để giảm chi phí trung gian là hiệu quả nhất”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú: "Tận dụng mặt mạnh, đẩy lùi mặt yếu"

Để cạnh tranh trên sân nhà, chúng ta phải có sự tổng hoà của các yếu tố. Về phía Nhà nước sẽ tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của DN. Song cũng yêu cầu các DN phải làm sao đáp ứng được nhu cầu của thị trường về chủng loại, mẫu mã, chất lượng, giá cả... Muốn vậy, các DN phải đổi mới công nghệ, phát triển cơ sở sản xuất, quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực. Đối với người tiêu dùng (NTD), cần phải nhận thức được rằng: “Người VN hãy tiêu dùng hàng VN”, không những đáp ứng yêu cầu của chính mình, mà còn giúp cho kinh tế đất nước phát triển. Một khi hàng VN cung cấp đến NTDVN và người VN dùng hàng VN sẽ là biện pháp hữu hiệu để cạnh tranh thành công trên thị trường nội địa trong bối cảnh chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập, chúng ta không thể dựng hàng rào đối với các DN nước ngoài mà không dựng hàng rào với bản thân ta, chúng ta cũng không thể cạnh tranh với người nước ngoài bằng vốn liếng, bằng khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh bằng văn hoá. Cần tận dụng mọi lợi thế và đẩy lùi các thách thức để cạnh tranh thành công.

Nguồn: Lao Động
 

Members online

No members online now.