Cà phê chung cư: 'Chiêu độc' ở Sài Thành

jusno

Thành viên tập sự
30/6/12
1
2
0
Credits
0
Mở quán cà phê trên chung cư, quảng bá bằng kênh… truyền miệng đang trở thành xu hướng kinh doanh khá thú vị ở Sài Gòn. Quán cà phê ở Sài Gòn mọc như nấm, không tránh khỏi cạnh tranh. Tuy nhiên những quán “không đụng hàng” như vậy lại có một lượng khách hàng riêng. Ai đã chịu “gu” của quán rồi chắc chắn sẽ còn quay lại.





Chung cư được trang trí lại vẫn có thể trở thành nơi “trú ẩn” lý tưởng

Quán cà phê trên chung cư đầu tiên ở Sài Gòn có lẽ là “Cửa sổ mặt trời” (La Fenêtre Soleil). Hơn 10 năm trước, anh Takayuki, chuyên gia thiết kế túi xách người Nhật và một người bạn Việt Nam phải vất vả hàng tháng trời chạy khắp khu trung tâm Sài Gòn với ý định tìm mặt bằng mở quán cà phê. Khi đã “chồn chân mỏi gối”, họ được giới thiệu đến một khu chung cư nằm ở góc đường Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1)…

Liều…

Takayuki và cô bạn người Việt của anh đều rất thích lối kiến trúc của căn hộ. Thấy giá rẻ, dù có phần e ngại việc mở quán trên chung cư sẽ khó kinh doanh nhưng họ vẫn quyết định thuê. Takayuki đích thân thiết kế, trang trí và sưu tầm các đồ vật bài trí cho quán.

“Cửa sổ mặt trời” ra đời với thiết kế tận dụng tối đa ưu thế của các cửa sổ lớn có sẵn. Không gian đẹp kết hợp với các đồ vật cổ, pha trộn phong cách Á, Âu khiến cho quán ngày càng nổi tiếng qua kênh… truyền miệng. Khách hàng tìm đến Cửa sổ mặt trời phải gửi xe bên Thư viện Tổng hợp, phải leo lên một cầu thang chung cư xoàng xĩnh, rồi mới đột ngột rẽ vào cánh cửa kính lớn, mở ra một không gian rộng, thoáng, sạch sẽ, mát mẻ và êm đềm. Sự bất ngờ, ngồ ngộ ấy làm khách thích thú bỏ qua những bất tiện trước đó.

Thời kỳ đầu, Cửa sổ mặt trời còn “nằm chễm chệ” cả 4 trang trên tạp chí Kiến trúc, Nhà Đẹp và được rất nhiều tạp chí hướng dẫn du lịch trong, ngoài nước giới thiệu như là một điểm đến thú vị ở Sài Gòn. Những chiếc bàn cổ, bộ sofa rộng rãi, chiếc giường xưa treo mùng vắt vẻo… phối trộn lẫn nhau trong một không gian đậm tính nghệ sĩ đã làm hài lòng những người ưa thích sự riêng tư, độc đáo.

Chủ quán Cửa sổ mặt trời, dù không tiết lộ giá thuê mặt bằng là bao nhiêu, nhưng “bật mí”: thuê trên lầu rẻ được một nửa so với tầng trệt.

Gần đây, Cửa sổ mặt trời đã chuyển sang một khu chung cư khác trên đường Lý Tự Trọng, quận 1. Quán vẫn duy trì lượng khách cũ và thu hút khách mới. Đến bây giờ chủ quán mới tự tin kết luận: “Mở quán ở đâu cũng được, miễn là có ý tưởng tốt”.

Tương tự như thế, Hà Thanh Phúc, chàng cử nhân Ngoại thương thế hệ 8x cũng “liều hết cỡ” khi chọn cho “Vừng ơi, mở ra” một địa điểm tại tầng một của chung cư trên đường Ngô Thời Nhiệm (quận 3). Ngay mặt tiền, phía dưới quán là tiệm rửa xe. Khách phải đi thẳng vào tiệm rồi… “lần mò” qua một cầu thang nhỏ để lên quán. Thanh Phúc kể: lần đầu nhìn thấy căn hộ đã cảm thấy thích và quyết thuê bằng được. Quán có diện tích 80m2, giá thuê trên 20 triệu đồng/tháng. Khai trương ngày 14/5/2010, đến nay “Vừng ơi mở ra” đã có thể tự tin với lượng khách của mình, mặc dù chủ quán thừa nhận: “Hai tháng đầu tôi bị strees vì quán không có khách”.



Quán có “gu” sẽ quyết định sự thành công kinh doanh, dù là vị trí không thuận lợi

Tiếp nối dòng cà phê chung cư, cà phê Things nằm tại tầng một, chung cư 14 Tôn Thất Đạm (quận 1) khai trương ngày 13/9/2010. Tuy nhiên, chị Tạ Thùy Minh, chủ quán, làm trong ngành truyền thông cho biết, chị mở quán không phải vì mục đích kinh doanh mà chủ yếu là do thích kiến trúc cũ kỹ của khu chung cư. Không gian, kiểu bài trí của quán giống như trong một gia đình, các đồ vật đều do người quen, bạn bè tặng. Phía dưới chung cư không hề có bảng hiệu hay chỉ dẫn. Khi lên lầu khách có thể … lạc nếu không tinh mắt nhìn thấy cái bảng hiệu nhỏ xíu ghi chữ “Things” treo trước cửa phòng.

… có lý

Hiện nay tại Sài Gòn có khoảng hơn chục quán cà phê trên chung cư, cao ốc. Dạo một vòng các quán như L'Usine (Đồng Khởi), L’appartement (Pasteur), The Loft (Nguyễn Công Trứ), Casbar (Nguyễn Du)… cho thấy, các khu chung cư cũ tại khu vực quận 1 chính là địa chỉ vàng cho các quán kiểu này. Mỗi quán tuy có kiểu thiết kế theo “gu” riêng của chủ quán nhưng đều có chung một đặc điểm là không gian nhỏ, nằm ở vị trí không dễ tìm.

Chỗ gửi xe bất tiện nhưng xem ra là chuyện nhỏ. Bất lợi lớn nhất đối với một địa điểm kinh doanh là vị trí khuất. Tuy vậy, nhà kinh doanh đã biết chuyển bại thành thắng: thu hút khách bằng địa điểm gợi tò mò. Anh Phúc, chủ nhân của “Vừng ơi mở ra”, cho biết: “Quán nằm trên lầu nên gợi sự tò mò cho khách hàng. Gu của khách Sài Gòn là quán càng khó kiếm càng thích tìm cho ra. Nếu có cơ hội tôi sẽ mở thêm quán nữa”.

Chị Hoàng Ngọc Thi, nhân viên văn phòng tại quận 1, khách hàng thường xuyên của các quán trên lầu cho biết: “Đây là nơi chốn bí mật của riêng mình với không gian đẹp và cảm giác lơ lửng”.

Còn chị Nguyễn Thị Châu Giang, nhân viên xuất nhập khẩu tại quận 3 chia sẻ: “Chọn một góc riêng, ngồi nhâm nhi thức uống, thả hồn xuống dòng xe cộ bên dưới giúp tôi xả strees hiệu quả. Không gian yên tĩnh, tầm nhìn đẹp là ưu điểm khiến tôi phải leo lầu”. Anh Trần Quang Tùng ở quận 11 ngắn gọn: “Tôi thích không gian hoài cổ của quán”.

Với bạn trẻ hệ 9x như Huỳnh Thế Phong thì: “Đi các quán trên lầu như vầy mới sành điệu”.

Quán cà phê ở Sài Gòn mọc như nấm, không tránh khỏi cạnh tranh. Tuy nhiên những quán “không đụng hàng” như vậy lại có một lượng khách hàng riêng. Ai đã chịu “gu” của quán rồi chắc chắn sẽ còn quay lại.

Tất nhiên, sự tò mò cho khách hàng thôi chưa đủ. “Cửa sổ mặt trời” sở hữu các món ăn tự chế theo phong cách ẩm thực Nhật - Âu, tối thứ năm hàng tuần có nhảy salsa. Còn Casbar thu hút những người thích khung cảnh Sài Gòn về đêm với Nhà thờ Đức Bà, thích không gian mang hơi hướng Trung Đông. Tương tự như thế, “Vừng ơi, mở ra” khẳng định thế mạnh về nhạc sống. Chủ quán rất chịu khó thuê ca sĩ phòng trà hát mộc hàng đêm. Khách đến Things thì có cảm giác thân thuộc khi bắt gặp món đồ cũ mà mình đã tặng cho quán và có thể tìm một góc nào đó ngủ, nghỉ như ở nhà.

Một chủ chuỗi các quán cà phê ở Sài Gòn sân vườn cho rằng, thời giá đất đắt đỏ, thuê mặt bằng trở thành gánh nặng mà các chủ đầu tư đều ngán. Hơn nữa, chỉ khi có thể thuê từ 5 năm trở lên thì chủ mới dám đầu tư mạnh để sửa chữa, trang trí. Cho nên mặt bằng nhỏ ở chung cư, nếu biết làm cho có nét độc đáo riêng, có sức “cám dỗ” khách hàng, thì địa điểm “xấu” cũng trở thành “đắc địa”.

Nhưng muốn vậy, người chủ phải biết rất rõ mình bán cái gì, cho đối tượng nào. Bắt chước hay chạy theo những quán này, quán nọ thì chẳng bao giờ có thể… sống thọ. Có lẽ, điều này luôn đúng, không riêng gì cho kinh doanh ẩm thực!?
 

Members online

No members online now.