Cửa hàng một giá: Chiêu trò khuyến mãi của các cửa hàng

vipvnvip

Thành viên tập sự
17/9/12
5
1
0
Credits
0
Từ hai năm trở lại đây, các cửa hàng một giá đua nhau nở rộ và sống khoẻ trong thời kì lạm phát. Tuy nhiên, không ít cửa hàng trưng biển một giá rồi mặc sức “làm giá”, trà trộn hàng Trung Quốc kém chất lượng, đánh lừa khách


“Một giá” hay “loạn giá” ?
Dọc các dãy phố “thời trang” tại Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng, Bà Triệu, Cầu Giấy… người đi đường có thể thấy hàng loạt những cửa hàng quần áo treo tấm biển “Cửa hàng duy nhất một giá 120.000 đồng”, “Khuyến mại một giá 150.000 đồng”, “Quần, váy, áo một giá 100.000 đồng”... Sốc hơn là những shop khá “hoàng tráng” trưng ở ngoài cửa những mẫu quần áo hợp “mốt” nhưng lại chỉ đề biển “Một giá 49.000 – 99.000 đồng”… Thử hỏi các chị em yêu thích thời trang làm sao có thể “cầm lòng” mà không rẽ vào xem ?

Trong vai khách hàng, PV đã thử bước chân vào một cửa hàng thời trang khá “bắt mắt” với dòng chữ “Một giá 100.000 đồng” ngay trên phố Chùa Bộc. Quần áo mùa đông ở đây rất đa dạng với những chiếc áo khoác len, vest kaki, quần bò… Nếu chỉ bán với giá 100.000 đồng thì quả thật là rẻ hơn hẳn các hàng khác. Thế nhưng sau khi lựa chọn được 2 chiếc khoác len ưng ý, nhân viên tại quầy thanh toán cho biết, hai chiếc áo này có giá là 250.000 đồng chứ không phải 100.000 đồng.


Người tiêu dùng nên thận trọng khi đến mua hàng ở các cửa hàng 1 giá


Hoá ra, treo biển “một giá” chỉ là “chiêu câu khách” vào cửa hàng, còn quần áo thì có rất nhiều giá khác nhau và không rẻ hơn so với các cửa hàng quần áo khác là bao. Khi chúng tôi thắc mắc “đâu là hàng một giá” thì chủ cửa hàng nhanh tay chỉ sang một dãy quần áo lỗi mốt đang thanh lí với nhiều chiếc đã sờn cũ, phai màu được bán với giá “chuẩn” của cửa hàng, chỉ 100.000 đồng.

Chị Thanh Nga (Cầu Giầy, Hà Nội) khách mua hàng tại cửa hàng trên cho biết, bây giờ cửa hàng nào cũng vậy, cứ treo biển “một giá” nhưng thực chất là “nhiều giá”. Khách hàng không để ý tha hồ “nhặt” đến lúc ra thanh toán mới “ngã ngửa”. Có người thì bực mình đem trả lại hàng, cũng có chị em ngại mang tiếng “keo kiệt” thì đành bấm bụng trả tiền “oan”.

Tuy nhiên, theo “bật mí” của một chủ shop quần áo trên phố Chùa Bộc, nếu chỉ treo biển “thanh lí” hay “siêu giảm giá” thì rất khó thu hút khách hàng bởi “chiêu này đã cũ rồi”. Nhưng treo biển “một giá” với các mức tiền cụ thể như 100.000 đồng, 120.000 đồng hay thậm chí là dùng “số lẻ” kiểu 159.000 đồng, 49.000 đồng. 99.000 đồng thì khách kéo vào xem hàng rất đông.

Thực chất, không ít người tiêu dùng tưởng đó là mức giá chung của cả cửa hàng. Thế nên, ai cũng có tâm lí vào xem hàng vừa không công mặc cả lại mua được “giá sàn” rẻ hơn hẳn ở các cửa hàng khác. Với các “thượng đế” thích mua hàng giá rẻ và ngại mặc cả thì tấm biển “một giá” sẽ là sự lựa chọn “thông thái” nhất. Chiêu “treo đầu dê bán thịt chó” và “lập lờ” giá cả như vậy đang được người kinh doanh tận dụng triệt để để hút khách trong thời kì bão giá, lạm phát.

Chủ yếu là hàng “dởm”

Tuy nhiên, bên cạnh những cửa hàng “loạn giá” vẫn có những cửa hàng “một giá” loại “chuẩn”. Tức là các hàng hoá tại đây đều có giá đúng như giá đã niêm yết. Theo bật mí của Thu Ngà (sinh viên ĐH Sư Phạm Hà Nội) – khách “ruột” của các cửa hàng “một giá” thì hiện chỉ còn hai cửa hàng quần áo trên phố Tôn Đức Thắng và Bạch Mai treo biển “một giá 100.000 đồng” là có giá khá rẻ so với các cửa hàng khác.

“Tất cả các loại áo khoác len, áo vest thậm chí đến áo phao, áo măngtô ở đây đều có giá chỉ 100.000 đồng. Trong khi, cầm 100.000 đồng vào các shop quần áo khác thì đừng mong mua được chiếc áo mùa đông nào. Số tiền đáng ra chỉ mua đủ một chiếc áo sơmi thì đã có thể mua được một cái áo khoác len cho mùa thu hay thậm chí nếu “khéo chọn” có thể mua được cả một chiếc áo khoác măngtô dày dặn… Do đó, không ít các bạn sinh viên ít tiền trở thành “khách ruột” của các cửa hàng trên”, Thu Ngà bật mí.

Hàng một giá thực ra chỉ là chiêu trò khuyến mãi của các cửa hàng
Bà chủ shop quần áo “một giá 100.000 đồng” trên phố Tôn Đức Thắng cho biết, ý tưởng bán hàng “một giá” của chị bắt nguồn từ chuỗi siêu thị 1USD Wal-Mart ở nước ngoài. Thực tế, các mặt hàng quần áo đều được nhập về từ Trung Quốc với số lượng lớn và nhập nhiều giá nhưng khi đem bán đổ đồng, kiểu gì cũng lãi. Tất nhiên, so với các cửa hàng khác, cửa hàng “một giá” ăn lãi ít hơn nhiều.

Không ít chủ shop đến hàng “một giá” để nhập lại những chiếc khoác len, áo vest chỉ cần “là lượt cẩn thận” trưng bày sáng loáng trong cửa hàng là giá đã vọt lên vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, nhìn qua quần áo treo ở cửa hàng, chúng tôi cũng thấy chất lượng có vẻ khá kém vì mặt hàng đa số được gia công từ Trung Quốc. Đường may cẩu thả, chất lượng vải cũng nhanh bạc màu, áo len thì nhanh xù lông và áo khoác cũng nhanh… hỏng khoá.

Bản thân các “khách ruột” ở đây cũng cho biết, nhiều chiếc áo “rẻ thì rẻ thật” nhưng chỉ mặc vài ba lần đã sứt chỉ, bung cúc hoặc giặt một lần đã phai màu… Thành thử lựa hàng cũng phải “kheo khéo” và “tinh mắt” một chút mới mong kiếm được bộ quần áo “rẻ mà lại chất”. Còn không thì chấp nhận mặc vài ba lần rồi làm… giẻ lau. Đôi khi, “rẻ lại hoá đắt” vì mua ba chiếc áo có giá 100.000 đồng nhưng chỉ mặc được vài lần thì mua một chiếc áo giá 300.000 đồng còn có giá trị sử dụng và đẹp hơn nhiều.

Ngoài cửa hàng “một giá 100.000 đồng” trên, chuỗi các cửa hàng bán đồ phụ kiện thời trang, đồ mĩ phẩm “một giá” mang cái tên “Xiao – haha” trên phố Chùa Láng, Tôn Thất Tùng, Mễ Trì cũng được xem là bán giá khá “chuẩn”. Hầu hết chủ cửa hàng “Xiao haha” là người Trung Quốc, hàng hoá cũng là hàng được nhập về từ Trung Quốc.

Mức giá ở đây chủ yếu là “một giá” 8.000 – 12.000 đồng cho các loại dây chun buộc tóc, cặp tóc, khuyên tai, vòng vèo, mũ và bút, túi đựng sách vở và cả các loại sơn móng tay, son môi, phấn trang điểm…. Có địa thế nằm sát các trường ĐH và các trường THPT nên chuỗi cửa hàng này thu hút rất đông khách. Tầm nào cũng thấy khách ra vào nhộn nhịp chủ yếu là sinh viên, học sinh.

Tuy nhiên, chất lượng hàng hoá ở đây cũng rất đáng lo ngại. Chị Thanh Nguyên (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cho biết, một lần đón con tại cổng trường THPT Khương Thượng, tình cờ chị vào cửa hàng Xiao haha để mua bút. Chỉ bỏ ra 8.000 đồng, chị đã mua được một túi đến 4 chiếc bút bi nhưng đem về nhà viết thử thì 2 chiếc tắt mực còn 2 chiếc viết được thì nét mực không đều và cũng nhanh hết mực.

Vẫn biết là “tiền nào của đấy” nhưng điều làm chị lo ngại nhất là các mặt hàng mĩ phẩm “một giá” tại đây. Chỉ với mức giá 8.000 - 12.000 đồng, tại Xiao haha bày bán rất nhiều loại sơn móng tay, son phấn và khá đông trẻ em đến mua. Mĩ phẩm ở đây hầu hết là hàng gia công Trung Quốc không rõ thành phần, hạn sử dụng. Thử mở các hộp son phấn, sơn móng tay, chị Nguyên đã “chết ngất” vì mùi hoá chất, hương liệu nồng nặc.

Nghe trên báo đài, tivi nói nhiều về các loại sơn móng tay có chứa chất gây ưng thu, đồ chơi Trung Quốc có hoá chất, son môi chứa sudan, chị nghi ngờ hàng hoá ở đây chắc hẳn ẩn chứa nhiều mối độc hại cho sức khoẻ của trẻ… “Thế nhưng rất ít phụ huynh biết được sự nguy hiểm này để cảnh báo cho con em mình. Trong khi các cửa hàng Xiao haha vẫn “hút” được nhiều bé gái thích làm đẹp, trang điểm”, chị Nguyên lo lắng.