Các nhà nghiên cứu đều thấy khách vào siêu thị đều phải ngưng một lát mới chuyển từ tâm lý bình thường sang tâm lý mua sắm.
Vì sao nhiều siêu thị đưa khu bán trái cây ra trước mà lại nhét khu bán sữa tuốt đằng sau? Vì sao những mặt hàng bán chạy lại được trưng bày giữa kệ chứ không phải ở đầu kệ?
Tờ Economist đã bật mí một số chiêu thức các siêu thị đang áp dụng... trong thời thắt lưng buộc bụng này
Các nhà nghiên cứu đều thấy khách vào siêu thị đều phải ngưng một lát mới chuyển từ tâm lý bình thường sang tâm lý mua sắm. Vì thế khu vực ngay sau cửa vào siêu thị được gọi là khu “định thần” - không tạo ra doanh thu nên thường được dùng làm khu trưng bày khuyến mãi.
Không lạ gì khu này có cả những két bia, thùng nước ngọt hạ giá nhằm kích thích khách hàng về những món hời bên trong chứ không phải để họ vác ngay thùng bia ở lối vào.
Trưng bày quyết định doanh số
Ngay sau đó thường là khu bán trái cây, rau quả. Với người mua hàng, trưng bày như thế là phi lý vì rau quả dễ hỏng, thường người ta mua sau cùng khi gần về. Thế nhưng theo kết quả khảo sát tâm lý mua sắm, mua trái cây ngay từ đầu giúp chuyến mua sắm có vẻ có ý nghĩa, làm nhẹ đi cái mặc cảm tiêu xài cho những món chưa cần thiết hay không mang tính dinh dưỡng cho lắm sau đó.
Những món người ta cần dùng hàng ngày như sữa lại thường được đặt ở cuối siêu thị để khách phải đi suốt các dãy kệ, biết đâu kích thích được họ mua món khác.
Tương tự, những món hàng bán chạy, có doanh số cao thường được sắp ở giữa kệ để khách khi đi kiếm nó phải đảo mắt qua các món hàng khác, xếp từ đầu kệ. Cách sắp xếp như thế có mục đích sau cùng là nâng thời gian khách mua sắm trong siêu thị lên. Một nghiên cứu cho thấy nếu thời gian nấn ná này tăng 1% thì doanh thu của siêu thị tăng 1,3%!
Các siêu thị lớn thường có quầy bán bánh, trong đó có cả lò đang nướng bánh, mùi thơm toả ra quyến rũ, hấp dẫn. Phần đông bánh được làm ở nơi khác nhưng siêu thị nào cũng muốn tạo cái cảnh làm bánh êm đềm, thơm ngon ngay trong quầy để hút khách…
Vị trí trưng bày hàng trong siêu thị rất quan trọng, quyết định đến doanh số của món hàng. Vị trí nào là tốt nhất cũng tuỳ từng siêu thị; có người cho là ngang tầm mắt, có người cho là vị trí cao hơn tầm mắt một chút.
Cũng có siêu thị tính thêm tiền cho nhà sản xuất nào muốn bày hàng ở cuối dãy vì họ cho vị trí này là dễ thấy nhất. Có chuỗi siêu thị còn tính toán hướng đi của khách mua sắm nữa để xác định vị trí tốt nhất.
Thông thường vùng kệ ngang tầm mắt nằm ở bên phải được cho là “đất vàng” vì đa số người mua sắm thuận tay phải và phần lớn hướng nhìn của con người là về phía tay phải.
Camera không chỉ canh kẻ cắp
Camera quan sát trong siêu thị không chỉ nhằm canh chừng kẻ cắp. Nó còn được dùng để theo dõi, phân tích thói quen mua sắm của khách hàng.
Ví dụ, khi quan sát cách người ta mua bia, các nhà phân tích nhận thấy đa số tiến ngay đến nhãn bia quen thuộc chứ không lưỡng lự lựa chọn như các món đồ khác.
Kết luận rút ra: các hãng bia nên dùng tiền quảng cáo cho các chiến dịch bên ngoài siêu thị chứ không cần tốn tiền quảng cáo hay tiếp thị bên trong siêu thị.
Nghiên cứu khác cho thấy khoảng 12% khách hàng lưỡng lự chừng 90 giây nhìn vào các nhãn hàng nước trái cây đóng hộp mà cuối cùng không mua. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng rất quan tâm muốn mua loại nước uống thay thế nước ngọt có ga nhưng không biết nên mua loại gì để có lợi cho sức khoẻ hơn. Quảng cáo nước trái cây, vì vậy, phải nhắm đến cung cấp thông tin bổ dưỡng cho người tiêu dùng.
Một yếu tố tâm lý khác, người nào lưỡng lự giữa hai món đồ, không biết nên mua món nào rốt cuộc thường không mua gì cả. Các nhà phân tích khuyên, nên có một món thứ ba “dẫn dụ”, làm cho khách dễ quyết định hơn mặc dù món thứ ba này về thực chất không khác gì hai món kia...