Bắc Giang quê hương tôi

netdepquehuong

Thành viên tập sự
1/3/12
5
0
0
Credits
0
Bắc Giang là một tỉnh lỵ nằm trong khu vực Đông Trung du ( phía đông sông Hồng Hà ) , tiếp nối với Lạng Sơn và Quảng Ninh về mạn đông đông-bắc của miền biên thùy nước Việt.



... làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh ,
Có con sông lờ lững vờn quanh ...

Làng Tôi – Đỗ Chung Quân.


Vùng đất này là làng quê của Chiêu Lỳ - Phạm Thái , Yên Thế-Hoàng Hoa Thám , Cai Kinh - Hữu Lũng ( anh em Vũ Văn Kinh và Vũ Văn Cương ), anh thư Giang-Bắc ( cô Bắc, cô Giang và cô Tỉnh ) v.v...., cũng là chiến địa lẫy lừng của tộc Việt qua các triều đại , thời Lý , đời Trần hay trong thời Minh thuộc ( Xương-giang) hoặc trường ca kháng chiến chống Pháp (đồn Bắc Lệ , Đông Triều , đồn Chũ, đồn Đầm , Phủ Lạng Thương....)...., của những con người bất khuất Bắc Giang.....

Bắc Giang có giọng hò quan họ luyến ái chân phương, êm ru ngàn lời ca dao thanh hương cỏ nội ....






Nhân dáng Bắc Giang là những chiếc áo tứ thân khả ái, những chiếc áo dài khăn đóng trịnh trọng hay những chiếc nón quai thao ranh mãnh nghiêng vành , là những lời ca tình tứ của liền anh – liền chị, là những hội hè truyền thống , những đình làng miếu mạo , những kỳ tích động nguồn đã gợi lại bao huyền thoại của ngày tháng xa xưa tô điểm cho nền văn hoá Bắc Giang một sắc thái đặc thù trong kho tàng văn hoá nghệ thuật của dân tộc Việt Nam .




Là một tỉnh nằm trong khu vực văn hoá Kinh Bắc ( Hà Bắc : Bắc Ninh và Bắc Giang ) nổi tiếng của miền Bắc Việt Nam , biết bao là trang sử oai hùng của tiền nhân để lại trên bờ sông Thương nước chảy đôi dòng, hay dòng Lục Nam sáu khúc nhập giang, đã chan hoà điểm nét cho những cánh đồng lúa chín vàng vọng tiếng hò đồng cộ hương quê, trang trại giữa núi đồi an ngự vây quanh những áng mây hiền hoà, lần lựa theo thời gian, hình thành một tâm hồn bản xứ Bắc Giang....



Phần 1. VỊ TRÍ VÀ ĐỊA THẾ


Nhìn vào địa hình của Bắc Giang thấy có núi chập chùng , có sông dài rộng trong một diện tích 3822 cây số ( Điạ lý Các Tỉnh và Thành Phố Việt Nam –nxb Giáo Dục , 12/2002), thay vì 5300 cây số trước kia ( Miền Đất Khai Nguyên – Toan Ánh ) : đó là hiện trạng của những thay đổi từ chính quyền đương thời. Bắc-giang san sẻ để rồi mất đi và tái tạo đến ngày nay , vừa là tỉnh bao gồm tính địa chất của Thượng du và Trung du hợp lại , nên hình thể của Bắc Giang có nhiều đặc điểm tạo thành kỳ quan thắng cảnh , thu hút mọi người tìm đến .

Đa phần hình thể của Bắc Giang là núi đồi ( 72% diện tích toàn tỉnh ) .

Khu vực phiá bắc của tỉnh là vùng rừng núi ( giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn) . Bắc Giang nằm giữa hai dãy núi hình cánh cung (Đông Triều và Bắc Sơn ) và có hình dạng như một nan quat mở ra , xoè rộng về hướng Đông bắc , tụ lại về mặt Tây nam ( trung tâm tỉnh thành ).

Nhìn về hướng Đông và Đông Nam của tỉnh Bắc Giang là ngọn Nham Biền nổi tiếng cao khỏang 1068 thước , sau lưng là ( Tây và Tây Bắc ) núi đồi Yên Thế ( 300 -500 thước ) , lùi dần về Nam , đồi núi thoai thoải và tiến dần về phần đất bình nguyên

Khu vực đông bắc tỉnh tiếp giáp với Quảng Ninh là những cánh rừng nguyên sinh Khe Rỗ .

Tóm lại , Bắc Giang là tỉnh vừa là núi đồi chập chùng ( Sơn Động , Lục Nam , Lục Ngạn , Yên Thế , Tân Yên ,Yên Dũng , Lạng Giang ) xen kẽ là những đồng bằng , rộng hẹp tuỳ theo khu vực vương rộng hay xếp lại như nan quạt của 2 dãy cánh cung Đông Triều và Bắc Sơn ( Hiệp Hòa, Việt Yên và thành phố Bắc Giang ).

Tỉnh Bắc Giang
- Phía bắc giáp Lạng Sơn .
- Đông giáp Quảng Ninh
- Tây giáp Thái Nguyên
- Nam giáp Bắc Ninh và Hải Dương

Thành phố Bắc Giang ngày nay là Phủ Lạng Thương ngày trước...

Vị trí: Nằm cách thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị 110 về phía Nam, cách cảng Hải Phòng hơn 100 km về phía Đông. Phía Bắc và Đông Bắc tiếp giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây và Tây Bắc giáp Hà Nội, Thái Nguyên, phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh.



Dã Hương nghìn tuổi.

(thảo mộc hiếm qúi - họ long não , trong sớ gỗ chứa tinh dầu )

Phần 2. SÔNG NGÒI VÀ KHÍ HẬU


Những dòng sông ngày cũ của Bắc Giang là những dòng nước như gương trong soi bóng những hàng tre đôi bờ , là những dòng sông thanh tú nhất , đẹp nhất của miền trung du Bắc Việt và cũng là những dòng thủy giang êm ả , bồi đắp những cánh đồng xanh mạ, ôm ấp những làng quê thôn dã quyện lam xanh , đong đưa những con đò xuôi ngược, khua mái chèo nhịp nhàng sóng nước tinh mơ, lung linh những vần thơ trữ tình, lững lờ theo mãi dòng phù sa ngày tháng .


...như gương trong soi bóng những hàng tre ( Tế Hanh )
Là dòng sông thương nhớ của Con Thuyền Không Bến vọng tưởng người thương, hay là thời niên thiếu hẹn hò của Lá Diêu Bông, là nhắn nhủ Một Lời Quan Họ, hoặc vẽ vời nhân ảnh trong Bức Tranh Quê của những thi nhân nhạc sĩ tiền chiến trong thập niên 40 và 50

Nước sông Thương , bờ sông Đuống hay bóng sông Cầu hãy còn đó và mãi mãi trôi vào lòng người những ký vãng hoàng hoa !

Những dòng sông : sông Thương , sông Lục Nam , và sông Cầu rất đẹp của những ngày xưa !


( ngày nay , dĩ nhiên là …không như ngày trước , thì những dòng chữ viết về những dòng sông sẽ có đôi phần không thực tế , nhưng tôi chỉ còn biết hy vọng dù mong manh là hy vọng được vào các bạn Bắc Giang hay huynh đệ Hồng Bàng sẽ khôi phục lại được hình ảnh và tâm tình của những dòng sông với những con nước trong xanh trong ý nghĩ ngày qua của mọi người )
Có mấy dòng sông vòng chảy ngược
Mà em xuôi mãi xuống Tào Khê
Đến đâu là cõi không đầy ải
Đôi mảnh hồn ngây lạc lối về…

Một lời quan họ _ Hoàng-Cầm

Người ơi, người ở đừng về
Người về em những khóc thầm
Bên song vạt áo ướt đầm như mưa
Người về em đứng trông theo
Trông nước nước chảy trông bèo bèo trôi
Người về em dặn tái hồi
Yêu em xin chớ đứng ngồi với ai
Người về em dặn lời rằng
Đâu hơn người lấy đâu bằng đợi em
Giã Bạn – Quan Họ
Bắc Giang có 3 con sông lớn đều nằm trong hệ thống sông Thái Bình , đó là sông Thương , sông Cầu và sông Lục Nam .



Hai lưu vực sông Thương và sông Lục Nam ngăn cách riêng biệt hẳn nhau bởi dãy Bảo Đài , còn lưu vực của sông Thương và sông Cầu liền lạc nhau bằng những cánh đồng lúa , ở giữa là những ngọn đồi có độ cao từ 20-50 thước

Sông Thương :

...Một con thuyền, theo trăng trong
Trôi trên sông thương,
nước chảy đôi dòng
Biết đâu bờ bến....


Con Thuyền Không Bến - Đặng Thế Phong


( nguồn : nhiếp ảnh gia Quang-Bảo từ http://www.vnphoto.net)



Sông Thương " thật sự " có tên là sông Nhật Đức, là một sông lớn ở địa phận các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương và là một chi lưu của sông Thái Bình.

Sông Thương bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước, làng Man, xã Vân Thuỷ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chảy trong máng trũng Mai Sao - Chi Lăng, theo dãy Cai Kinh giữa những bờ đá , dòng sông nhỏ lúc chảy mạnh khi chảy nhẹ và chảy vào địa phận tỉnh Bắc Giang ở Bố Hạ ( chính nơi đây sản xuất một giống cam quý nổi tiếng ở miền Bắc : cam Bố Hạ , và cũng là đọan khai rộng nhất của con sông ) . Sông chảy qua Phủ Lạng Thương độ 7,8 cây số và điểm cuối là thị trấn Phả Lại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tại đây nó hợp lưu với sông Lục Nam ( gọi là ngã ba Nhãn) và sông Cầu (ngã ba Lác), rồi tạo thành sông Thái Bình tại chính ngã ba Lác.

Ngoài ra , từ huyện Yên-thế , sông Thương có một phụ lưu là sông Sỏi chảy tiếp nối đến Lạng Giang , Tân Yên , thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng.




Sông Thương là một dòng sông nổi tiếng ở vùng Kinh Bắc , lưu lượng của nó không điều hòa nếu không có đập Cầu Sơn trong việc phân phối lưu lượng dòng sông vào những mùa khô hay lũ lụt , tiết chế và gia giảm lượng nước tưới tiêu vào những cánh đồng ven sông ( cánh đồng Phát Lộc - kênh Quảng Hiên dài 8 cây số ở Phủ Lạng Thương ) qua những con kênh dẫn thủy nhập điền... Tuy nhiên , dòng sông Thương bình thường (không gây lũ lụt trong mùa nước lớn ) thì dòng nước luôn trong xanh thêm vào phong cảnh đôi bờ tạo cho dòng sông có nét hiền hòa và thi ý.

Và chính nó cũng là một dòng sông chứng kiến bao cảnh biệt ly của những gia đình quan quân đi trấn ải biên thùy Cao-Lạng hay tuân mệnh vua tiến cống hàng năm , đây là đoạn cuối cùng mà triều đình cho phép thân nhân gia quyến tiển đưa người đi trấn nhậm biên cương hay xuất sư viễn trình v.v... , biết bao là thương cảm trông ngóng ngày về của sự biệt ly , người đi não chúng , kẻ vọng bơ phờ …, nên từ đó dòng sông này gọi là sông Thương , thay vì là sông Nhật Đức là tên chính thức của nó .

Sông Thương nước chảy đôi dòng
Đèn khêu đôi ngọn em trông ngọn nào ?

Sông Thương nước chảy đôi dòng có thật chăng ?

Theo sự nhận xét của Toan Ánh , tác giả của quyển Miền Bắc Khai Nguyên thì chuyện có thật !

Đó chẳng qua là hiện tượng nhập giang của con ngòi ( Đa Mai ) chảy từ cánh đồng chiêm làng Đa Mai ( Mỹ Độ ) nối kết với dòng sông Thương ( nước của cánh đồng chiêm thì đục đầy phù sa , gặp nước sông Thương trong xanh , hai dòng nước không hòa lẫn với nhau ở một đoạn khá dài ( khoảng 100 thước ) . Hiện tượng này , ngày nay không còn nữa và sự phân ly của người xưa đã hết , nhưng con sông Thương đã chảy vào lòng người những tâm tình tràn ngập phù sa thương nhớ…

Và …cũng không biết từ bao giờ hình thành một tập tục ( qua ca dao ) dẫn cưới của các chàng trai Kinh Bắc khá nặng xu , khi phải lòng đến các nàng thôn nữ ở đôi bờ sông Thương , có lẽ những động lực đó cũng không ngoài nét nổi bật thường tình của “ nhất kiến “ !

...nước ở ngọn sông Đào vừa trong vừa chảy
Anh đi kén vợ mười bảy năm nay...

...Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắm , đôi trằm em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau ...

(và chữ " Thương " sẽ cứ mãi bình phương ! )

Sông Cầu :

Còn gọi là sông Như Nguyệt, sông Thị Cầu, sông Nguyệt Đức, là con sông quan trọng nhất trong hệ thống sông Thái Bình.



Sông bắt nguồn từ vùng núi đồi Tam Đảo ( 1326 mét ) , thượng lưu nằm giữa hai dãy cánh cung sông Gầm và Ngân Sơn chảy vào tỉnh Bắc Giang ở huyện Hiệp Hòa , quanh co uốn khúc đến Yên Phong , khúc sông này có bến đò Vọng nguyệt và Như nguyệt nổi tiếng là chiến tích oai hùng của Đại Việt chống ngoại xâm . Tiếp đến , dòng sông Cầu nhận nước của sông Cà Lồ ( Vĩnh Phúc ) qua Mê Linh , Kim Anh rồi nhập vào sông Hương La ở bãi Ba Sà , tiếp tục đến 4 huyện Yên Phong , Việt Yên , Yên Dũng và Quế Võ của tỉnh Bắc-Ninh

Cuối cùng hợp với sông Thương và sông Lục Nam tại ngã ba Lác ( phía trên Phả Lại 10 cây số ) .

Lưu vực sông Cầu là một trong những lưu vực sông lớn ở Việt Nam, có vị trí địa lý đặc biệt, đa dạng và phong phú về tài nguyên cũng như về lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh nằm trong lưu vực của nó.

Lưu lượng thủy văn của sông Cầu bắt từ nguồn thượng lưu ( phía Nam đỉnh Phia Bioóc (cao 1.578 m) của dãy Văn Ôn trong địa phận xã Phương Viên huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn) , chảy ngoằn ngoèo giữa hai dãy núi Ngân Sơn và dãy núi Sông Gầm theo hướng Bắc-Tây Bắc_ Nam-Đông Nam tới địa phận xã Dương Phong, huyện Bạch Thông rồi đổi hướng để chảy theo hướng Tây-Tây Nam _ Đông-Đông Bắc qua thị xã Bắc Kạn tới xã Mỹ Thanh huyện Bạch Thông. Tại đây nó đổi hướng để chảy theo hướng Đông Bắc _ Tây Nam.

Tại xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới, nó nhận một chi lưu phía hữu ngạn, chảy về từ xã Mai Lạp cùng huyện theo hướng Tây Bắc-Đông Nam. Tới địa phận thị trấn Chợ Mới, nó nhận một chi lưu nữa phía hữu ngạn rồi đổi hướng sang Tây Bắc-Đông Nam. Tới địa phận xã Văn Lãng (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), nhận một chi lưu phía tả ngạn rồi đổi hướng sang bắc Đông Bắc-nam Tây Nam.

Tới xã Sơn Cẩm huyện Phú Lương nhận tiếp một chi lưu phía hữu ngạn là sông Đu rồi chảy qua phía đông thành phố Thái Nguyên.

Chảy tới xã Nga My huyện Phú Bình thì đổi sang hướng Đông Bắc - Tây Nam tới xã Thuận Thành huyện Phổ Yên nhận tiếp một chi lưu là sông Công.

Tới ranh giới xã Mai Đình huyện Hiệp Hòa và xã Việt Long huyện Sóc Sơn (Hà Nội) nó nhận một chi lưu nhỏ phía hữu ngạn là sông Cà Lồ rồi chảy tiếp về phía Đông qua ranh giới của hai huyện Việt Yên và Yên Dũng với tỉnh Bắc Ninh rồi hợp lưu với sông Thương tại ngã ba Lác ở ranh giới của xã Đồng Phúc (huyện Yên Dũng) với thị trấn Phả Lại (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) để tạo thành sông Thái Bình.

Sông Cầu chảy vào mạn tây tỉnh lỵ Bắc Giang ( phân chia ranh giới với Thái Nguyên và Bắc Ninh ) trong một hình dạng địa chất cong cong uốn lượn như một vầng trăng non , nên người xưa gọi nó bằng một tên hoa mỹ là Như Nguyệt !

Đây là một dòng sông lịch sử của những người dân Đại Việt chống nạn xâm lăng cường quốc , bảo vệ đất nước vào cuối thế kỷ XI.

Nếu dòng sông Bạch Đằng đã lừng lẫy nhận chìm thái tử Hoằng Tháo của nhà Nam Hán xa xưa ( 936 ) , giăng bắt Giao Châu Sứ - Hầu Nhân Bảo ( Tống -981 )..., thì Như Nguyệt là một chi sông tiếp nối của Bạch Đằng ( Lạng Sơn -Quảng Yên và Bắc Giang , rất thuận tiện cho việc tiến chiếm Thăng Long - 8 cây số bằng đường thủy ) cùng danh tướng Lý Thường Kiệt đã anh dũng phá tan đoàn quân xâm lấn của Trung Hoa ở bến đò ( chiến tuyến ) Như Nguyệt và Vọng Nguyệt ( huyện Hiệp Hòa ) trên dòng sông Như Nguyệt (1077) đuổi Quách Quỳ và Triệu Tiết ra khỏi bờ cõi nước Nam qua 4 câu thơ đẫm chất anh hùng :




theo hướng chỉ : chiến tuyến Như-Nguyệt !



Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư …

-Lý Thường Kiệt-
( tôi không rõ có phải danh tướng Lý Thường Kiệt đã ứng khẩu sáng tác bài từ hiệu triệu tinh thần chiến đấu của binh sĩ hay chăng ? hay đó là bài thơ Thần , huyền bí vọng vang từ đền thờ của Trương Hát và Trương Hống ( tướng tài của Triệu Việt Vương)
nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào thì bài từ này đã tỏ thái độ dứt khoát với giặc xâm lăng , là nước Nam là của người Nam , không bao giờ thay đổi được ! )

Đây là một trận thủy chiến kinh hồn của quân dân Đại Việt dưới triều Lý Nhân Tông cùng với liên quân Bắc Tống , Chiêm Thành và Chân Lạp trong 40 ngày quần thảo ( 18/1 đến 28/2 năm 1077)

Có thể nói 28 chữ trong bài hiệu triệu của danh tướng Lý Thường Kiệt được viết bằng máu đỏ Lạc Long !

Sông Cầu là con sông dài nhất ( 288 cây số ) trong tam giang , nhưng chảy qua tỉnh Bắc Giang lại thật ngắn so với 2 dòng sông Thương và Lục Nam , nhưng lòng sông sâu và mở rộng , nước chảy êm đềm , nối tiếp 49 làng quan họ Kinh Bắc xa xưa.
Sông Lục Nam :

Sông Lục Nam là ngành trên của sông Thái Bình , là một trong những con sông thanh tú nhất của miền Bắc Bắc-Việt !

Lục Nam phát nguyên từ vùng rừng núi Quảng Ninh , chảy qua Bắc Giang với chiều dài hơn 100 cây số, đoạn thủy giang này tương đối thuận tiện cho thuyền bè xuôi ngược. Và cũng như bao dòng sông khác , dòng Lục Nam đã tạo cho cánh đồng Lục Nam , Bão Đài được phì nhiêu trĩu nặng lúa vàng . Nhưng , đến mùa lũ lụt , thì con sông này trở thành hung thần của cư dân ven sông. Và tính cho đến ngày nay , chính quyền địa phương vẫn không có phương thức trị thủy thích đáng , tránh cho cư dân địa phương sự tổn thất về vật chất và sinh mạng...

Sông Lục Nam hợp cùng sông Thương ở Phả Lại và cùng chảy vào Lục Đầu Giang ở Kiếp Bạc .



Cầu Sáu-Ông ( bắc ngang sông Lục-Nam )

do công của 6 nông dân thuộc xã Tân Lập , bỏ công sức ra xây dựng:
( Phạm Văn Phán, Nguyễn Huy Đông, Phạm Văn Doãn, Hán Văn Tấn, Nguyễn Văn An, Nguyễn Văn Quý.)

Khí hậu Bắc Giang gần như là khí hậu của vùng bình nguyên , dù rằng Bắc Giang có núi đồi trùng điệp. Duy chỉ ở những vùng gần dãy Cai Kinh và Bão Đài là nhiều khác biệt , có thể nói là khí hậu không trong lành và độc hại như sơn cước thượng du .

Về mùa đông , nhiệt độ hạ rất nhiều khi bắt đầu có gió thổi từ vùng cao nguyên. Trời mùa hạ , rất ngột ngạt vào 3 tháng 6, 7 , 8 và khí trời di chuyển khó khăn qua những thung lũng nhỏ hẹp. Nhiều nơi ở thung lũng sông Thương nước độc và có mầm bệnh sốt rét phát sinh.Vùng Yên-thế cũng nước độc và chướng khí xuất phát từ những cánh rừng .

Vùng bình nguyên tương đối an lành , nhờ những dòng sông , khí hậu được trung hòa và tốt lành .

Có thể phân chia khí hậu của Bắc Giang ra làm 3 giai đoạn trong năm :

- Mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 9 .
- Mùa ấm và lạnh ít vào tháng 10 đến tháng giêng .
- Mùa mưa và ẩm thấp trong tháng 2 đến tháng 4 .
 

netdepquehuong

Thành viên tập sự
1/3/12
5
0
0
Credits
0
Phần 3. LỊCH SỬ VÀ NHÂN VĂN

Thời Hồng Bàng , tỉnh Bắc Giang thuộc bộ Võ Ninh .
Đời Đinh Tiên Hòang đổi làm đạo Bắc Giang .
Đời Tiền Lê đổi thành lộ Bắc Giang , đời Lý giữ nguyên .
Đời Trần đổi thành lộ Kinh Bắc ( bao gồm tỉnh Bắc Giang , Bắc Ninh và một phần của tỉnh Phúc Yên _ Vĩnh Phú ).
Đời Hậu Lê , trong niên biểu Hồng Thuận thứ 21 ( 1509 -1516 ) gọi là trấn Kinh Bắc .





Bắc Giang nằm trong địa phận trấn Kinh Bắc, dù thay đổi danh hiệu tên gọi địa lý qua từng triều đại , nhưng cuối cùng đến đời Nguyễn Gia Long ( 1802 ) , cái tên Kinh Bắc lại trở về với tỉnh Bắc giang và Bắc ninh ngày nay.

Trong giai đoạn kháng chiến , miền Bắc phần Việt Nam đã được Việt minh phân chia làm những khu vực tuỳ thuộc vào tình hình chính trị lúc bấy giờ ( sự kiểm soát toàn diện địa bàn và nhân văn ) như :

- Khu Việt Bắc ( bao gồm những tỉnh thượng du như Hà Giang , Cao Bằng , Bắc Kạn, Lạng Sơn , Tuyên Quang , Thái Nguyên. ) ,

- Khu Tây Bắc còn có một tên gọi khác là khu tự trị Thái Mèo ( gồm có 16 huyện lỵ trực thuộc các tỉnh Điện Biên , Sơn La , Lai Châu , Lào Cai và Yên Bái )

- Kế đến là Kinh Bắc ( gồm Bắc Giang và Bắc Ninh ) là tên gọi có từ trước .

Cũng như trong thâm tâm của người dân xứ Bắc xa xưa , thì người Thăng Long ( hay Hà Nội của những năm 1913 trưóc đó ) là người Kẻ Chợ hay Thị Thành , họ gọi những người dân tứ xứ đổ về kinh đô là dân tứ trấn ( từ “ trấn “ bị đoc chệch thành là “ chiếng “ trong một âm ngữ xem thường , do đó câu thành ngữ thay vì là trai tứ trấn lại thành là “ trai tứ chiếng “, giai thoại này chỉ là một sự truyền khẩu cho nhau , thật là không kiểm chứng được ! ) .

Tứ trấn của thời đó là Hải Đông , Sơn Tây , Sơn Nam , và Kinh Bắc .

Và từ Thăng Long , theo trục Nam-Bắc , và Tây-Đông ( + ) , chúng ta lại có thêm một số tên gọi địa lý khác nằm trong miền Bắc Việt Nam , đó là :
.
- Xứ Đoài, vùng đất của các tỉnh trung du Phú Thọ, Vĩnh Phúc và tỉnh đồng bằng Hà Tây ngày nay ;
- Xứ Đông, vùng đất của các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, một phần của thành phố Hải Phòng và tỉnh Thái Bình ;
- Xứ Nam là vùng đất của Hà Nam, Nam Định, và một phần của tỉnh Ninh Bình ;
- Xứ Bắc, vùng đất của Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay.





Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương

Đôi mắt người Sơn Tây – Quang Dũng

Có lẽ , ngày nay những danh từ địa lý này không còn tồn tại trong chương trình giáo khoa nữa , nhưng chúng ta cũng vẫn thỉnh thoảng tìm thấy ở một vài tác phẩm thi ca hay văn học trước thiên niên kỷ mới .




Bắc Giang ngày nay là vùng đất tụ cư của nhiều dân tộc cùng chung sống ( Thổ , Nùng , Mán v.v...) . Vùng quê này ở vào một địa thế thuận lợi, nằm trong vùng đồng bằng Bắc Phần, được bồi đắp phù sa bởi các con sông lớn như Sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, có các vùng núi cao với nhiều lâm sản quý, lại nằm trong một vùng trung du rộng lớn thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiệp.






Khu vực làng Thổ-Hà.


Cư dân sinh sống ở đây bằng nghề nông là chính. Họ đã hình thành nên các làng, bản với hình thức kinh tế và văn hoá riêng biệt ( làng Thổ Hà - Bắc Giang, là một biểu tượng đặc biệt nhất trong các làng quê cũ của tỉnh ). Từ những phương thức trồng trọt, chăn nuôi, từ nếp sinh hoạt, trang phục, phong tục, tập quán.cho đến cách nghĩ, cách làm và lối sống đã tạo nên một truyền thống đặc biệt khác hẳn với các tỉnh vây quanh - chúng ta có thể gọi đó là nét cổ truyền Kinh Bắc ( Bắc Giang và Bắc Ninh ) .

Thí dụ như : làng gốm Thổ Hà , làng rượu Vân Hà ( Việt Yên ), làng bún Đa Mai ( thành phố Bắc Giang ), làng mây tre Phúc Long – Phúc Tằng, làng rèn Đức Thắng ( Hiệp Hòa ), làng quan họ Thổ Hà , làng tuồng Tân Dĩnh ( Lạng Giang ) , làng chèo Đồng Quan ( Yên Dũng) v.v...







Lại có cả làng võ , làng vật ở Yên Thế , Hiệp Hòa , và hơn thế nữa , Bắc Giang có làng thơ ở Yên Dũng .

Ngoài ra, nhóm dân tộc anh em cũng thành lập những bản làng đặc biệt theo từng sắc tộc như : bản Dao ( Sơn Động ) , bản Sán Chí ( Lục Ngạn ) , bản Cao Lan ( Lục Nam )

Làng quê ở Bắc Giang đã trở thành biểu tượng riêng của mỗi ngôi làng , là nét đặc thù hiếm có ở các tỉnh bạn .

Hội làng tồn tại hàng nghìn năm với các nghi lễ. Nội dung, hình thức của các lễ hội này đều có nét cá biệt , song mục đích chính của lễ hội đều nhằm tuyên dương sự đoàn kết , duy trì truyền thống với những tập tục có từ nghìn xưa . Đây là một điểm son trong nền văn hoá Kinh Bắc .










.......................

...Ngày nay do sự chuyển biến của xã hội , nền văn hoá làng quê Bắc Giang đã phần nào bị xâm thực bởi những tác động kim tiền , những lễ hội vẫn tồn tại nhưng không còn đậm đà bản sắc nữa, nội dung văn hoá làng quê đang có xu hướng mờ nhạt và phôi pha, nhiều lễ hội chỉ còn trong ký ức qua những tiếng thở dài của các vị bô lão . Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã có những biện pháp tích cực nhằm tôn tạo lại các di tích lịch sử, di tích văn hóa, khôi phục các lễ hội truyền thống với đầy đủ ý nghĩa tinh thần. Thế hệ trẻ Bắc Giang chúng ta cũng cần phải có sự chung tay đóng góp để xây dựng một nền văn hóa Bắc Giang tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.